Tuần vừa rồi, tôi đọc lại Nhà giả kim sau (có lẽ là) 10 năm từ lần đọc đầu tiên. Thời gian trôi nhanh thật, tôi không nghĩ là đã 10 năm kể từ lần đầu đọc tác phẩm này.
Suốt cả thập kỷ qua, dù những chi tiết về câu chuyện cứ rơi rụng dần khỏi trí nhớ (đến nỗi tên của nhân vật chính - chàng chăn cừu, Santiago, tôi còn quên mất từ khi nào không hay), tôi vẫn luôn coi ý niệm về quy luật vũ trụ của Nhà giả kim là chiếc la bàn đạo đức, dẫn tôi đi đúng hướng trong những quyết định quan trọng nhất của cuộc sống.
“Khi bạn thực sự mong muốn làm điều gì, cả vũ trụ sẽ hợp sức giúp đỡ bạn”.
Thời gian gần đây, tôi cảm thấy cây kim trên la bàn đạo đức có phần chênh vênh, không còn vững hướng. Tôi đã tìm lại Nhà giả kim, đọc cuốn sách đầy kỷ niệm ấy với hy vọng tìm lại sự bình an, bằng cách củng cố lại những niềm tin sâu thẳm nhất về tâm linh vũ trụ.
Vậy nhưng, ngạc nhiên thay, tôi đã có một trải nghiệm đọc ngược lại gần như hoàn toàn với những gì đã dự liệu.
—
Đầu tiên là tôi đã chẳng đọc một cách say mê, liền mạch như 10 năm trước. Nguyên nhân là tôi đã bị điện thoại và vô số công việc khác chi phối, không còn là cậu học sinh cấp 3 chân phương ham đọc năm xưa. Bao biện một chút là vậy, còn thực tế, tôi đang thiếu kỷ luật để làm những điều tốt đẹp, thiếu đến mức đáng thất vọng.
Thứ hai, đáng lo hơn, tôi không còn cảm nhận được sự đồng điệu với tâm linh vũ trụ khi lật giở từng trang sách.
Thay vì nhất tâm cổ vũ cậu bé Santiago vượt biển đến xứ người, tôi lại cảm thấy hoài nghi về quyết định ấy. Sự xuất hiện của những lời khuyên đến từ bà thầy bói, từ vị vua Melchisedek, thay vì thuyết phục tôi, lại làm hiện lên những câu hỏi như “dựa vào đâu mà họ biết thế?”. Đến cao trào của tác phẩm, khi Santiago đối thoại với sa mạc, với gió, với trời và với tâm linh vũ trụ, tôi đã thật sự lạc lối; tôi dùng logic để cố gắng hiểu, và đương nhiên là không còn thấu nổi làm sao cậu ấy biến thành gió được nữa…
Năm 2015, tôi gấp sách lại với cảm giác tràn ngập thỏa mãn, và tin tưởng vào những lựa chọn đã, đang, và sẽ đưa ra, chỉ cần nghe theo trái tim mình. Năm 2025, tôi gấp sách lại với cú sốc nặng nề, bởi nhận ra bản thân tự bao giờ đã rời xa khỏi triết lý sống tưởng như không thể tách rời.
Tróe ngoe thay, lần đọc Nhà giả kim này, đoạn văn hiếm hoi làm tôi đồng cảm lại là viễn cảnh khá tăm tối mà nhà giả kim vẽ ra với Santiago. Đấy là nếu cậu từ bỏ đi tìm kho tàng, ở lại ốc đảo cưới vợ, sinh con,…
Năm thứ nhất trong cuộc sống hôn nhân, cậu vẫn có thể nhìn thấy những dấu hiệu vũ trụ, được các tù trưởng tin tưởng xin ý kiến và kiếm được nhiều tiền.
Sang đến năm thứ hai, những dấu hiệu hối thúc cậu trở lại với kho tàng mạnh mẽ hơn, nhưng cậu khước từ chúng, tiếp tục ở lại ốc đảo và phát triển sự nghiệp kinh doanh.
Đến năm thứ ba, những dấu hiệu sẽ dần rời bỏ người không còn quan tâm đến chúng, cậu mất khả năng nhìn thấy chúng và không còn được tin tưởng làm cố vấn cho các tù trưởng của ốc đảo. Lúc ấy, cậu vẫn sẽ là một thương gia giàu có, sống sung sướng nơi ốc đảo, nhưng trong lòng sẽ luôn canh cánh một nỗi đau, một niềm tiếc nhớ vì đã không hoàn thành “”sứ mệnh”” của mình, không đi theo con đường mà tâm linh vũ trụ đã vạch ra.
Một số phận chung của hàng trăm tỷ người đã từng sống trên thế giới này…
—
Khá trùng hợp là tôi cũng đang ở năm thứ 3 trong cuộc sống lứa đôi (năm hôn nhân là 2).
Mấy năm rồi, vì lý do khá khách quan, tôi đã thay đổi và bỏ lỡ rất nhiều thói quen tốt đẹp từng tưởng đã hoá bản năng. Tôi đã gật đầu với một số người, một số điều khiên cưỡng và không thấy đúng đắn. Linh hồn của tôi đã bước chệch ra khỏi con đường đến tâm linh vũ trụ.
Nhưng như Giáo sư X trong bộ phim siêu anh hùng vĩ đại nhất - theo quan điểm của tôi - X-Men: Days of the Future Past đã nói:
“Không phải vì một người đi sai đường mà họ sẽ mãi mãi lạc lối.”
Không bao giờ là quá muộn. Tôi hiểu vấn đề của mình, chỉ là tôi chưa đủ kỷ luật để đi theo những dấu hiệu mình nhìn thấy và cảm nhận được.
Phép màu đã mất, nhưng tôi hoàn toàn có thể khôi phục nó, thậm chí rực rỡ hơn nữa.
Bắt đầu bằng bài viết này.
Maktub.